THÁNG KHUYẾN MẠI TẬP TRUNG QUỐC GIA 2021

Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2021 xem đẩy mạnh hoạt động ưu đãi trên các sàn thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Quý IV hàng năm là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu với hàng loạt sự kiện mua sắm kèm chương trình ưu đãi lớn. Năm nay, thị trường sôi động hơn khi tháng 12 cũng là “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021- Vietnam Grand Sale 2021”.

Chương trình cho phép các doanh nghiệp thực hiện các chương trình giảm giá sâu với mức ưu đãi lên đến 100% thay vì 50% như thông thường. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc tháng này, doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện các chương trình khuyến mại với hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ với mức giảm giá lên đến 100% đến ngày 31/1/2022.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, đại diện Ban tổ chức, chương trình năm nay có những tín hiệu tích cực là sự đồng hành của các doanh nghiệp thương mại điện tử, viễn thông, ngân hàng…

Ghi nhận tại sàn thương mại điện tử Shopee cho thấy nhu cầu mua sắm đã có sự gia tăng nhanh chóng ở đa dạng các ngành hàng. Trong đó, các ngành hàng được người dùng Việt quan tâm nhất là nhà cửa và đời sống; sức khỏe và sắc đẹp; điện thoại và phụ kiện. Ngoài ra, nhu cầu đi chợ online vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Trong khuôn khổ chương trình năm nay, Shopee phối hợp với Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP HCM tổ chức chương trình Tháng khuyến mại tập trung với khẩu hiệu “Thỏa sức mua – đua sức sắm”, diễn ra từ 15/11-31/12. Theo đó, khách hàng có thể tìm mua những sản phẩm giảm giá sâu lên đến 90% từ các gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Một doanh nghiệp khác cũng tham gia hưởng ứng chương trình là Tiki. Doanh nghiệp này cho biết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, công ty có kế hoạch triển khai nhiều chương trình giảm giá cuối năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và tăng cao vào tháng 12. Tiki sẽ thực hiện chương trình “12/12 – Sale nốt chốt năm” với mức khuyến mại lên đến 100% cho tất cả các ngành hàng. Đây cũng là lần đầu tiên sàn chính thức áp dụng ưu đãi 100%.

Bên cạnh đó, Tiki còn kết hợp cùng nhiều đối tác ngân hàng, ví điện tử, triển khai chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích thanh toán không tiền mặt trong giai đoạn dịch bệnh. Chương trình góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, khắc phục những hạn chế trong giao dịch trực tuyến.

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ thanh toán tiền mặt trong thương mại điện tử chưa cao khi có tới hơn 80% người mua hàng trực tuyến vẫn chọn thanh toán bằng tiền mặt. Điều này ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ giao hàng thành công, hủy đơn và sự bất tiện khi nhân viên giao vận phải mang theo một lượng lớn tiền mặt. Điều đó cho thấy vai trò của các ngân hàng số, trung gian thanh toán trong việc đưa ra hình thức khuyến mại nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt rất quan trọng.

Cụ thể, tham gia vào chương trình năm nay, HDBank mang đến chương trình mở tài khoản trực tuyến e-SkyOne “Zero phí, rinh táo hết ý”. Ngân hàng cũng liên kết với 7 ví điện tử gồm ShopeePay, ZaloPay, MoMo, VNPTPay, TrueMoney, VTCPay và Moca để tăng thêm lợi ích cho khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhiều nền tảng fintech khác để tăng tiện ích và tận dụng lợi thế hệ sinh thái ngân hàng.

Với người tiêu dùng, chị Nguyễn Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết sàn thương mại điện tử đang dần trở thành một kênh mua sắm ưa thích. Không chỉ có nhiều ưu đãi mà chị còn không mất thời gian đi lại, tiếp xúc nhiều người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và rất tiện lợi.

Sự kết hợp đa dạng và hài hòa các hoạt động thương mại truyền thống, đẩy mạnh thương mại điện tử của chương trình sẽ giúp tạo hiệu ứng lan tỏa. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng, người tiêu dùng trên cả nước. Ngoài ra, chương trình cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Thông qua các hoạt động ưu đãi được triển khai trên các sàn thương mại điện tử, chương trình năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi kinh tế – xã hội; phục hồi sản xuất; đảm bảo kinh doanh an toàn; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước.

Sưu tầm (Nguồn https://vnexpress.net/diem-moi-trong-thang-khuyen-mai-tap-trung-quoc-gia-2021-4396646.html)

CÔNG TNHH GIẤY TẬP TRẠNG NGUYÊN TẶNG TẬP CHO HỌC SINH, SINH VIÊN KHÓ KHĂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG NGUYỄN HỮU THỌ

Trưa ngày 26/11/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân đã tổ chức Chương trình trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ và phương tiện học tập năm (2021 – 2022) cho học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Tham gia chương trình có các lãnh đạo Quận, Phường và các Tổ chức ban ngành Phường Bình Trị Đông B, trong đó, phía Công ty TNHH giấy tập Trạng Nguyên cũng cử bà Đặng Thị Thùy Dung (Phó giám đốc) cùng tham dự.

Chương trình Học bổng Nguyễn Hữu Thọ là một chương trình học bổng lớn của TPHCM đã được triển khai trong vài năm trở lại đây. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (Tô Thị Bích Châu), việc triển khai trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho các học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn nhằm đẩy mạnh thực hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, tiếp tục thực hiện các giải pháp để động viên, tạo nguồn chăm lo thiết thực cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

Với mong muốn tiếp sức cho hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn Quận vượt qua những khó khăn (đặc biệt là hậu quả nặng nề từ Đại dịch Covid vừa qua), để ra sức học tập trở thành con ngoan trò giỏi, Công ty TNHH giấy tập Trạng Nguyên đã đồng hành cùng UBND Quận hỗ trợ những phần quà tặng là tập học sinh cho các em học sinh – sinh viên được nhận học bổng trong chương trình.

Chương trình Học bổng Nguyễn Hữu Thọ do Ủy Ban MTTQ Bình Tân đã diễn ra thành công trong niềm hân hoan của hàng trăm học sinh, sinh viên. Công ty TNHH giấy tập Trạng Nguyên cũng rất lấy làm vinh dự và hạnh phúc vì được đồng hành cùng địa phương trong một chương trình từ thiện có nghĩa như trên. Mong rằng, với những phần quà là tập học sinh thương hiệu Trạng Việt sẽ góp phần nuôi dưỡng nên những tài năng tương lai của đất nước sau này.

HỌC MÀ CHƠI – PHƯƠNG PHÁP HỌC TOÀN DIỆN

Học mà chơi hay Chơi mà học là phương pháp học gắn liền với việc vui chơi. Nói một cách dễ hiểu thì vui chơi có ích cũng chính là một cách học tập hiệu quả cho trẻ.

Học mà chơi lúc nào cũng vui hơn

Khi việc học và chơi diễn ra một cách tự nhiên, hợp nhất linh hoạt sẽ thu hút trẻ, giúp trẻ luôn vui vẻ hoạt náo, tập trung sự chú ý cũng như tiếp nhận tri thức một cách dễ dàng, không cần bắt ép.

Ví dụ: Để các con có thể nắm được các kiến thức khoa học phổ thông khô khan, như:

Ánh sáng đến từ đâu?

Làm thế nào để có cầu vồng?
Gió từ đâu đến?
Nam châm là gì?…

Các bố mẹ không nên ép trẻ phải học thuộc lòng những định nghĩa, lý thuyết trên sách vở vì chúng rất khó hiểu. Bởi vì, sự tư duy và  trí tưởng tượng của trẻ nhỏ còn rất giới hạn. Muốn chuyển tải đến trẻ thì hãy cho bé tiếp xúc với thực tế hay tự tay làm thí nghiệm.

    Hãy cho bé tiếp xúc với thực tế hay tự tay làm thí nghiệm!

Nhờ đó, các bé sẽ vừa tiếp thu được kiến thức, lại vừa rèn luyện được các phẩm chất về trí tuệ như: khả năng tập trung, quan sát, ghi nhớ, tư duy, sáng tạo…  Sống trong các hoạt động trí tuệ, trẻ sẽ trở nên vui vẻ, chuyên tâm, tự tin và kích thích trí tò mò lẫn sáng tạo cho trẻ.

Phương pháp Học mà chơi – Chơi mà học là một cách học hay. Tuy nhiên, bước đầu cần phải có sự phối hợp, kèm cặp để định hướng cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên chơi và cùng thảo luận, thi đấu và thậm chí là tranh cãi với trẻ. sau đó dần tách ra để cho trẻ tự học và chơi. Từ đó, việc học đối với trẻ sẽ như một trò chơi thú vị, khiến các hoạt động trí tuệ của trẻ sẽ trở nên phong phú và có điều kiện để phát huy.

Ba mẹ hãy chơi cùng con!

Việc nuôi dưỡng ý chí cho trẻ từ nhỏ để trẻ dần học cách kiểm soát bản thân là rất quan trọng. Ý chí ban đầu của trẻ được hình thành từ trong cuộc sống sinh hoạt điều độ và những thói quen tốt. Trong đó, quan trọng nhất là những thói quen như: dậy sớm, tập thể dục, nề nếp, lễ phép, nhiệt tình với người khác, giữ vệ sinh, ăn uống, xem TV đúng giờ… Giáo dục chính là việc bồi dưỡng những thói quen tốt, do vậy cần chú ý để giúp trẻ hình thành điều đó.

Ý thức và nề nếp sẽ tạo nên một đứa trẻ tốt

Qua bài phân tích trên cho chúng ta thấy rằng, cả 3 yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công cho một đứa trẻ trong tương lai là IQ (chỉ số tư duy), EQ (chỉ số về cảm xúc) và AQ (chỉ số vượt khó) đều được hội tụ trong phương pháp Học mà chơi – Chơi mà học. Điều này cho thấy đây là một phương pháp học toàn diện mà không chỉ các trường học tiên tiến hiện nay đang áp dụng, mà tại các gia đình, những người cha, người mẹ tiến bộ đang rất quan tâm và đã biết vận dụng cho những đứa con thân yêu của mình.

Và điều cuối cùng mà Công ty TNHH giấy tập Trạng Nguyên muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh là:  HÃY CHO CON BẠN CHƠI TRONG “TRÍ TUỆ”! Đừng lo, đừng sợ mà hãy tin vào các con. Có vừa học – vừa chơi, các con bạn mới có điều kiện phát triển tốt nhất cả về IQ, EQ và AQ.

Chúc các bạn thành công!!!

Shin – Cậu bé bút chì trở lại siêu lợi hại, cứu thế giới khỏi cơn cuồng mì Ramen

Tháng 9 này, bộ phim hoạt hình Nhật Bản Shin – Cậu Bé Bút Chì: Kung Fu Boys – Mì Ramen Đại Chiến sẽ chính thức ra rạp tại Việt Nam.

Shin - Cậu bé bút chì trở lại siêu lợi hại, cứu thế giới khỏi cơn cuồng mì Ramen - Ảnh 1.
Poster phim Shin – Cậu bé bút chì Kungfu Boys

Các tập truyện về Cậu bé Shin 5 tuổi thường xuyên bày trò nghịch ngợm trong gia đình đã quá quen thuộc với trẻ em trên toàn thế giới. Hôm nay trở lại dưới hình thức là phim chiếu rạp lại vô cùng hấp dẫn. Đây là món quà trung thu ý nghĩa cho các fan hâm mộ của cậu bé Shin, hứa hẹn mang lại vô vàn tiếng cười sảng khoái cho các em nhỏ.

Shin - Cậu bé bút chì trở lại siêu lợi hại, cứu thế giới khỏi cơn cuồng mì Ramen - Ảnh 3.

Để bảo vệ thành phố Kasukabe, Shin cùng với sư huynh Masao và các bạn lập nên đội đặc nhiệm Kasukabe với nhiệm vụ chăm chỉ “khổ luyện” Mềm mại Thần công để bảo vệ hòa bình cho thành phố. Vẫn là gương mặt phúng phính (nhìn muốn véo),  Shin nhanh chóng chiếm được tình cảm đặc biệt của thầy cô cũng như phát huy tài năng thiên bẩm với môn võ thuật có một không hai này.

Shin - Cậu bé bút chì trở lại siêu lợi hại, cứu thế giới khỏi cơn cuồng mì Ramen - Ảnh 6.

Shin – Cậu Bé Bút Chì: Kung Fu Boys – Mì Ramen Đại Chiến sẽ chính thức khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 21.09.2018.

Ba mẹ và các bé sẽ tìm thấy những hình ảnh về cậu bé Shin dễ thương trên bộ tập học sinh Shin bút chì do Công ty TNHH giấy tập Trạng Nguyên sản xuất nữa đó! Đây vừa là món quà dễ thương cho các bé đã trót mê Cậu bé Shin này, vừa là món quà ý nghĩa cho năm học mới đó nha các ba mẹ!

Ngành giấy nỗ lực thúc đẩy sản xuất

Theo đánh giá của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, tình hình sản xuất của ngành giấy trong nước những tháng đầu năm 2018 khá ổn định…

Đa số các doanh nghiệp giấy phải xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm.

Trong 4 tháng đầu năm, ngành giấy đã sản xuất được 1.181.815 tấn giấy các loại, tăng 60% so với cùng kỳ 2017, nhờ các nhà máy có công suất lớn đã hoạt động mạnh từ quý 4/2017 và tiếp tục tăng sản lượng sản xuất trong những tháng đầu năm 2018.

Để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2018, ngành giấy đã nhập 465.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng giấy nhập khẩu lớn chủ yếu là cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì cao cấp và giấy phục vụ cho thị trường trong nước.

Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

Dù hoạt động sản xuất ổn định nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động và sự cạnh tranh. Trên thị trường thế giới, giá giấy các loại đều tăng trong quý 1/2018 và vẫn tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 4 do chi phí sản xuất các nguyên liệu từ bột giấy, nguyên liệu và hóa chất của ngành giấy đều tăng.

Các doanh nghiệp ngành giấy còn cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, doanh nghiệp  bị các doanh nghiệp Trung Quốc tranh mua nguyên liệu và giấy thành phẩm. Bởi hoạt động sản xuất giấy tại Trung Quốc đang được giảm bớt theo hướng chọn lọc dự án đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường. 

Xu hướng đó khiến nguồn cung của ngành giấy rơi vào tình trạng căng thẳng. Vì vậy, các doanh nghiệp dự báo giá nguyên liệu và giấy nhập khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới. 

Tại thị trường trong nước, vụ sản xuất chính đã bắt đầu vào mùa để đáp ứng cho năm học mới và hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. 

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng các loại bao bì cũng tăng lên do hoạt động sản xuất của các ngành hàng phát triển đã tạo cơ hội cho ngành giấy catton “ăn nên làm ra”. 

Theo đánh giá của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, ngành sản xuất bao bì trong nước tăng trưởng mạnh trong 10 năm trở lại đây. Do đó, nhu cầu nguyên liệu rất cao.

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc trên 600 triệu USD. Với việc doanh nghiệp Trung Quốc thu mua nguyên liệu và giấy cũng đẩy kim ngạch xuất khẩu của ngành lên cao đột biến. 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xuất khẩu 187.056 tấn giấy các loại, tăng 400% so với cùng kỳ 2017.

Phát triển vùng nguyên liệu là sự sống còn

Theo giải thích của các doanh nghiệp ngành giấy, tình trạng nhập khẩu cao là vì các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Nguyên do là ngành chưa có đủ dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ. 

Hiện tại, đa số phải xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô nguyên liệu dù đã được bổ sung với các loại rừng trồng nhưng vẫn chưa nhiều, do cạnh tranh với ngành chế biến gỗ.

Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Mai cho biết, việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của các doanh nghiệp giấy trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa. 

Song, tuỳ vào năng lực tài chính mà từng doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện nhanh chậm khác nhau. Đơn cử như tại Tân Mai, trong năm 2018 và 2019, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thêm nhà máy giấy bao bì có công suất 200.000 tấn/năm tại Long Thành (Đồng Nai) và nhà máy sản xuất bột giấy tại Kon Tum sau khi dự án nhà máy tại Quảng Ngãi phải huỷ bỏ do gặp khó khăn về mặt bằng.

Để phát triển bền vững, ngoài đầu tư cho trang thiết bị, Tân Mai đặt ra chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với kế hoạch khai thác dài hạn 20 và 25 năm tùy loại rừng. Theo đó, doanh nghiệp này đã tập trung xây dựng quỹ đất lâm nghiệp và vùng nguyên liệu rộng lớn, khắp các tỉnh thành phía Nam. 

Theo ông Thịnh, hiện nay, Tập đoàn đang quản lý rừng và đất rừng tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đông Nam Bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum với tổng diện tích là 31.105 ha. Tập đoàn còn trồng mới rừng như năm 2017 trồng được 542,36 ha và mục tiêu trong năm 2018 trồng thêm 1.187 ha.

Dù doanh nghiệp tự lực cánh sinh nhưng để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường. 

Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa người dân với doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành phải liên kết với nhau mới có thể hy vọng phát triển nhanh vùng nguyên liệu cho ngành tại chỗ, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao.

Hiện tại, với quy trình sản xuất đi theo đường vòng, các doanh nghiệp trong nước phải chật vật cạnh tranh, không những không chủ động được sản xuất, kiểm soát được thị trường mà dễ dàng bị đánh bật trước các thương hiệu giấy ngoại. Đơn cử như giấy ngoại nhập từ Thái Lan, Indonesia, và Nhật Bản. Điều đáng lo ngại là giấy của các thương hiệu ngoại trội hơn hẳn sản phẩm giấy trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn. 

Theo VnEconomy

NGUYÊN LIỆU NGÀNH GIẤY: THIẾU NHƯNG VẪN LÃNG PHÍ

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Giấy Việt Nam gửi tổ điều hành thị trường trong nước về tình hình sản xuất, thị trường giấy tháng 11 và 11 tháng năm 2010: Tình hình thị trường giấy không ổn định. Do tác động của giá đô la và giá vàng, hiện nay lãi suất cho vay cao nên rất khó khăn trong việc xác định chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm. 

Ngoài ra, giá giấy loại ở trong nước đã lên tới 4.500 đồng/kg đối với hòm hộp carton, mức giá chưa từng có. Do vậy, giá giấy buộc phải tăng, nhưng khó bán. Vì vậy, sản lượng sẽ giảm và sẽ thiếu giấy, nếu người mua không chấp nhận giá tăng. 

Rừng nhiều nhưng vẫn “đói”

Thời gian qua, trong khi cả nước thực hiện kiềm chế nhập siêu thì ngành giấy lại làm ngược lại là kiềm chế xuất khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu.

Ông Vũ Văn Cường, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ – Bộ Công Thương cho biết: Nguyên nhân của tình trạng tăng nhập, giảm xuất ở ngành giấy là do sự thiếu hụt quá lớn bột giấy nguyên liệu, mặc dù gỗ nguyên liệu không hề thiếu. Hiện cả nước có khoảng trên 300.000 ha rừng nguyên liệu, mỗi năm trồng mới khoảng 7.000 ha, nhưng chỉ có rất ít nhà máy sản xuất bột giấy. 

Ông Vũ Ngọc Bảo – Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết: Nhiều rừng nguyên liệu ở Thanh Hóa, Kon Tum có gỗ đã đến tuổi khai thác nhưng không có đầu ra nên phải bán gỗ cho tư nhân hoặc các doanh nghiệp dùng vào mục đích khác. Với người trồng rừng thì bán cho ai cũng là tiền, vấn đề là ngành giấy đã phải đầu tư một lượng vốn không nhỏ cho người trồng rừng nguyên liệu, nhưng lại không thể thu mua gỗ vì chưa có nhà máy chế biến bột giấy.

Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp như Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai là chủ động đáp ứng được khoảng 80% tổng số bột cho sản xuất giấy.

Đại diện Công ty Cổ phần giấy Tân Mai, ông Phan Minh Nghĩa – Phó Giám đốc, cho biết: Hiện Công ty đã trồng được 12.000 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là keo lai và thông ba lá ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Đức Trọng (Lâm Đồng) nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất của nhà máy bột giấy (công suất 200.000 tấn bột/năm).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, trong khi nước ta có thế mạnh và tiềm lực về rừng nguyên liệu và trên thực tế vẫn đang xuất khẩu gỗ hoặc dăm mảnh, thì hàng năm các doanh nghiệp ngành giấy vẫn phải nhập 10.000 – 15.000 tấn bột giấy. Đó là do sự đầu tư bất hợp lý, thiếu cân đối giữa sản xuất bột và sản xuất giấy. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau mà việc kéo dài đầu tư xây dựng một số nhà máy đáp ứng không kịp nhu cầu sản xuất, làm mất cơ hội cạnh tranh với sản phẩm giấy các nước.

Lãng phí 

Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, nguồn giấy phế liệu, thải loại ở các văn phòng, trường học và hộ gia đình rất lớn, nhưng không có tổ chức thu gom giấy, phân loại. Các công ty thu gom rác cũng không phân loại mà đổ thẳng ra bãi chôn lấp. Hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng nay vẫn theo phương thức cổ điển, hầu như hoàn toàn dựa vào hàng ngũ “ve chai, đồng nát” mà vẫn chưa có công ty chuyên thu hồi giấy. Đặc biệt, từ khi thực hiện thuế giá trị gia tăng yêu cầu bắt buộc phải có hóa đơn đỏ trong việc thu mua giấy loại lại càng gây trở ngại trong việc tiêu thụ giấy thu gom trong nước.

“Hiện nay, trên thế giới có đến 70% nguyên liệu sản xuất giấy là giấy đã qua sử dụng. Ở Việt Nam, tỷ lệ thu hồi giấy loại để tái chế vẫn thấp, chỉ đạt 25% và chiếm 50% tổng lượng giấy loại đã tái chế (phần còn lại là nhập khẩu) ”, ông Vũ  Ngọc Bảo cho biết.

“Điều này cho thấy, giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính và quan trọng hơn cả bột giấy được sản xuất từ gỗ. Nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất trong nước, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm giấy trên thị trường, các doanh nghiệp ngành giấy cần một lượng rất lớn giấy tái chế; nhưng Việt Nam vẫn đang vô cùng lãng phí nguồn nguyên liệu này”, ông Bảo cho biết thêm.

Cũng theo ông Vũ Văn Cường, “giấy đã qua sử dụng bị đem tiêu huỷ một cách lãng phí, trong lúc Việt Nam đang phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ các nước Mỹ, Nhật… để làm nguyên liệu sản xuất giấy trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam chưa có quy định nào nói về việc thu gom và tái chế các vật liệu đã qua sử dụng có thể tái chế được.

Để có nguồn giấy tái chế cho ngành công nghiệp giấy, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu chiến lược – Bộ Công Thương đã đề nghị đưa việc thu gom, tái chế giấy đã qua sử dụng thành một chương trình quốc gia. Qua đó, Nhà nước và xã hội coi giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính cho sản xuất giấy, chứ không coi đó là rác như hiện nay”.

Ông Vũ Ngọc Bảo đưa ra ý kiến: “Nếu được xã hội quan tâm, Nhà nước ủng hộ bằng các quy định có tính pháp chế, Việt Nam có thể khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ để phát triển ngành giấy, nâng cao ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường, giảm nhập khẩu giấy loại”.

Theo Tamnhin.net